0889 254 555   0857 380 555 (Phòng KD)      info@dkraliving.vn

Những biện pháp phòng chống cháy nổ nhà chung cư

Những biện pháp phòng chống cháy nổ nhà chung cư

Trong lĩnh vực quản lý vận hành bất động sản, công tác phòng cháy chữa cháy luôn được DKRA Living đặc biệt chú trọng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo an toàn cho cư dân và khách hàng, nhất là trong giai đoạn cuối năm – thời điểm thường xảy ra nhiều sự cố ngoài ý muốn.

Cháy nổ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Để nâng cao ý thức phòng ngừa, dưới đây là tổng hợp các nguyên nhân phổ biến dẫn đến cháy nổ và các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Các nguyên nhân dẫn đến cháy nổ thường gặp

1. Sự cố từ chập điện

Sự cố chập điện gây cháy nổ khá phổ biến trong các khu dân cư, chung cư, nhà ở,... trong nhiều trường hợp cháy nổ xảy ra khi: 

- Sử dụng điện quá tải dẫn đến chập cháy, đặc biệt vào mùa hè.

- Lưới điện quá cũ, lâu năm không được bảo dưỡng chập cháy.

- Khi ra ngoài không tắt các thiết bị điện, rủi ro tia lửa điện phát sinh gây cháy khó kiểm soát.

2. Sự cố từ bình gas

Một trong những nguyên nhân cháy nổ phổ biến đến từ sự cố bình gas, xăng, dầu trong sinh hoạt hàng ngày. Rò rỉ khí gas khi nấu ăn hay sử dụng gas không đúng cách, không khóa an toàn, chuột cắn dây dẫn khí gas gây cháy nổ.

Việc bảo quản xăng dầu trong nhà, khu vực sinh sống hay nơi làm việc không đúng quy cách cũng là tác nhân gây cháy nổ phổ biến. Xăng dầu, khí gas tiếp xúc với nguồn nhiệt, tia lửa điện hay tàn thuốc lá khiến các đám cháy bùng lên nguy hiểm.

3. Điện thoại và thiết bị sạc

Điện thoại và các thiết bị sạc phát nổ gây cháy là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ nguy hiểm. Số lượng các vụ nổ điện thoại, cục sạc dự phòng ngày càng tăng. Nguyên nhân do pin bị phồng rộp, chai pin hoặc nhiệt độ cao sạc pin trong thời gian dài, phát sinh tia lửa gây cháy đồ đạc và lan nhanh ra những vụ cháy lớn.

4. Thói quen hút thuốc lá

Hành đồng hút thuốc lá tưởng chừng vô hại nhưng lại là nguyên nhân cháy nổ phổ biến. Khi tàn thuốc lá chưa được dập tắt đã vứt bừa bãi và các khu vực dễ cháy như nhà kho chứa hóa chất, cỏ khô, lá khô, rơm rạ có thể vô tình gây ra đám cháy lớn.

5. Việc thờ cúng, đốt vàng mã

Hoạt động đốt hương thờ cúng xảy ra hỏa hoạn cũng không phải là hiếm. Trường hợp khi các bát hương quá nhiều, thời tiết khô hanh khiến chân nhang cháy bùng lên, lan ra đồ thờ cúng bằng gỗ trong nhà. 

Bên cạnh đó là việc đốt vàng mã không đúng nơi đúng chỗ, đốt với số lượng lớn có thể gây cháy nổ ở các khu vực có nhiều vật liệu dễ cháy, bãi cỏ khô. Tàn hương vàng mã mang theo mầm lửa có thể bay xa và gây cháy ở các khu vực lân cận.

Các biện pháp phòng chống cháy nổ hiệu quả

Để hạn chế rủi ro, mỗi cá nhân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống cháy nổ dưới đây:

1. Kiểm tra bảo dưỡng thiết bị điện

Thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng các thiết bị điện trong nhà. Thay mới các đường dây điện, thiết kế đường điện an toàn, cách xa tác nhân dễ cháy. Không cắm quá nhiều thiết bị điện cùng lúc dẫn đến quá tải dẫn đến chập cháy. 

2. Cẩn thận khi sử dụng lửa, thiết bị sinh nhiệt

Tắt bếp gas khi không có mặt tại nơi nấu nướng hay đi ra ngoài. Không để bình gas, bếp gas cạnh các vật dụng dễ cháy như xăng dầu, củi khô, rèm cửa, giấy.

3. Tắt các thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi nhà

Trước khi ra khỏi nhà, hãy tắt các thiết bị điện không cần thiết, cẩn thận rút các phích cắm điện,...

4. Bảo quản vật liệu dễ cháy đúng cách

Để các vật liệu dễ cháy, nổ cách xa nguồn điện, nguồn nhiệt. Không dự trữ khí và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở hoặc khu sinh hoạt

5. Trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy

Việc trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy cho các công trình đóng một vai trò rất quan trọng để ngăn ngừa rủi ro hỏa hoạn.

6. Nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống cháy nổ

Cần tăng cường nhận thức, trang bị cho bản thân các kỹ năng cần thiết trong phòng chống cháy nổ để bảo vệ cho bản thân và gia đình khi có sự cố không may xảy ra.

Ban quản lý DKRA Living thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập, tập huấn công tác PCCC & CNCH tại các dự án, đảm bảo an toàn và chất lượng sống cho cư dân.